Câu chuyện đáng suy nghĩ về tính tự lập của du học sinh
Hiện có không ít bạn trẻ sinh ra trong gia đình khá giả, trở thành “công tử, tiểu thư” từ tấm bé, đến khi họ du học, sống một mình nơi xứ lạ, họ gặp khó khăn vì cơm không biết nấu, chỉ ăn được một số đồ ăn quen thuộc… Có người bị stress phải trở về, có người phải đưa cả mẹ hay người giúp việc sang phục vụ công tử tiểu thư đi du học.
Post sau đây của anh Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc công ty truyền thông T&A, một trong những công ty truyền thông hàng đầu Việt Nam là câu chuyện đáng suy nghĩ cho nhiều người…
“Hôm qua vợ đi quay về nhà, thấy nhà cửa sạch sẽ tinh tươm chắc hơi xót chồng nên tối dè dặt đề xuất “hay mình thuê người làm”. Mình gạt phắt ngay: không bao giờ (nói như Bella hay nói là “never ever ever”)
Mình từ bé xíu đã sống với u già. U già ở với ông bà, sau mẹ mình đẻ mình thì qua trông mình. U không có con nên mình có thể nói là tất cả của u. Tiền lương của u cũng chỉ để mua thức ăn cho mình. Mình có bát ăn riêng, thức ăn riêng. Thậm chí khi u không trông mình nữa, u cũng dành dụm cả tháng lương, đi mua gà rồi đi bộ rất xa tới nấu cho mình nồi miến. Cho nên mình nghiễm nhiên như ông vua con trong nhà, rất ích kỷ, cái gì ngon nhất cũng phải là của mình.
Nhưng rồi u mất, mẹ mình đi học nghiên cứu sinh ở nước ngoài. Thế là bắt đầu phải làm tuốt. Đầu tiên là tự làm cho mình. Rồi phải lo việc nhà. Tám chín tuổi phải nấu cơm. Rồi nuôi gà. Nuôi thỏ. Nuôi vịt. Nuôi lợn. Rồi đi xách nước. Anh chị mình xách bằng xô, mình có một cái ấm Liên xô để xách, nhưng lụi cụi cả buổi sáng cũng đổ đầy một thùng phi 200 lít. Rồi làm vườn, trồng rau: mùng tơi, rau dền, ớt, bí, mướp. Rồi làm giá đỗ. Xếp hàng mua thịt, mua gạo, mua dầu hoả. Học đun bếp mùn cưa, bếp rơm, bếp than tổ ong. Học đấu chập đôi dây may-xo cho vào gạch chịu lửa để làm bếp điện. Thịt gà khi gà bị rù (giờ gọi là cúm gia cầm). Tới năm 15 tuổi thì mình “thập bát môn võ nghệ” lắm rồi, hầu như tất cả việc nhà là mình làm hết. Và mình nghĩ tất cả trẻ con thế hệ mình như Vu Anh Nguyen hay Anh Già đều thế cả.
Nhưng bọn mình chẳng thấy thế là khổ. Mà thấy vui. Vui khi mẹ đi làm về, mình pha cốc nước mơ cho mẹ, và được mẹ khen là nhà cửa sạch sẽ gọn gàng quá. Vui khi thấy mình thả vào đâu, vào hoàn cảnh nào cũng sống được. Khi đi học nước ngoài, mình học thêm bài học sống tập thể, nhưng hoà nhập nhanh cũng vì mình làm được mọi thứ không kém các bạn học ở nông thôn ra.
Cho nên mình không hiểu được khi nhà nhà người người thuê o-sin. Trừ trường hợp có em bé dưới 5 tuổi và ông bà trên 70, tại sao những người có đầy đủ chân tay mạnh khoẻ lại không tự làm việc. Với tủ lạnh, máy giặt, bếp từ bếp gas, thậm chí cả máy rửa bát, công việc nhà với mình là trò đùa so với ngày xưa. Tại sao lại phải chịu cảnh có thêm một người xa lạ sống trong nhà với bao cái phức tạp bực mình của nó? Tại sao cứ nháo nhào khi o-sin xin nghỉ Tết nghỉ phép? Tại sao các bà chủ cứ phải lo ngay ngáy ông chủ tòm tem ô-sin? Tại sao trẻ con bố mẹ là người Hà nội, đẻ ra ở Hà nội mà con lại nói giọng Thanh Hoá, Nghệ An
Cái hệ luỵ nguy hiểm hơn, các bạn tạo ra một thế hệ F1 không biết niềm vui của lao động, của việc lau sạch một căn nhà để bố mẹ vui vẻ khi đi làm về. Không biết trân trọng giá trị của lao động chân tay khi không bao giờ phải làm việc chân tay. Một thế hệ ích kỷ chỉ biết nhận mà không biết cho. Một thế hệ sẽ rất khó hoà nhập vào thế giới bên ngoài Việt nam khi chẳng có ai làm cho chúng nữa.
Nhiều bạn than thở họ bận. Thật là nguỵ biện. Họ bỏ thời gian vài tiếng trên FB nhưng không thể bỏ ra một tiếng để làm việc nhà. Mình điều hành và tham gia điều hành ba bốn công ty, cần thời gian để viết lách, đọc sách, nghe nhạc nhưng vẫn thừa thơi gian để dọn dẹp, giặt giũ, nấu ăn, dậy con…những lúc làm việc nhà là lúc xả stress tốt nhất, thể dục tốt nhất và vui vẻ nhất
Và nếu không cùng làm việc, thì không hiểu trong gia đình sẽ có bao nhiêu thời gian cạnh nhau? Một bữa cơm ba người cùng nấu, cùng làm việc tạo ra một không khí gia đình vui vẻ và đầm ấm nhất.
Cho nên, ngày Tết, hãy trả tiền cho ô-sin và cho họ về quê. Họ cũng có gia đình và phải được đón Tết”.
Bài viết được dẫn từ fb của anh Nguyễn Thanh Sơn, Tổng giám đốc công ty truyền thông T&A, một trong những công ty truyền thông uy tín nhất Việt Nam hiện nay.
Viết bình luận: