Đôi khi, việc tìm kiếm công việc phù hợp giống như bài toán "con gà hay quả trứng có trước". Bạn cần kinh nghiệm làm việc để ứng tuyển xin việc, nhưng bạn cũng cần công việc đầu tiên để có kinh nghiệm làm việc thực tế. Hãy cùng Sao Việt khám phá những bí quyết giúp các bạn sinh viên gây ấn tượng với nhà tuyển dụng, ngay cả khi bạn chưa có kinh nghiệm làm việc nhé!

  • 𝗛𝗮̃𝘆 𝘁𝗵𝘂̛̣𝗰 𝘁𝗲̂́ 𝗸𝗵𝗶 đ𝗮̣̆𝘁 𝗺𝘂̣𝗰 𝘁𝗶𝗲̂𝘂 𝘅𝗶𝗻 𝘃𝗶𝗲̣̂𝗰

- Không có gì sai khi bạn mong muốn ứng tuyển vào những vị trí cao với mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên nếu bạn chưa từng có kinh nghiệm làm việc và bắt đầu công việc toàn thời gian đầu tiên, việc "nhắm" tới những vị trí công việc cơ bản cho người mới ra trường sẽ giúp bạn tạo nền móng vững chắc và sau đó bạn có thể thăng tiến lên những vị trí cao hơn.

- Ngoài việc ứng tuyển vào những tập đoàn lớn đa quốc gia hay công ty quốc tế, bạn cũng đừng bỏ qua những cơ hội tại những doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) hay những công ty khởi nghiệp (Startups). Thông thường, những vị trí này sẽ ít cạnh tranh hơn nhưng cũng đầy thú vị và thử thách. Tổ chức nhỏ đồng nghĩa với việc bạn sẽ có cơ hội làm việc và học hỏi nhiều hơn từ lãnh đạo cấp cao, đồng thời thể hiện bản thân trong nhiều vị trí khác nhau.

  • Đ𝗮̂̀𝘂 𝘁𝘂̛ 𝘃𝗮̀𝗼 𝗵𝗼̂̀ 𝘀𝗼̛ 𝘅𝗶𝗻 𝘃𝗶𝗲̣̂𝗰 𝗰𝘂̉𝗮 𝗯𝗮̣𝗻

- Thật khó để bắt tay vào viết CV hay thư xin việc, đặc biệt nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thực tế. Gợi ý cho bạn là hãy suy nghĩ về những khoá học bạn đã hoàn thành, những trải nghiệm tình nguyện, thực tập,... và nhìn nhận xem những trải nghiệm đó liên quan thế nào đến vị trí bạn đang ứng tuyển.

- Trước khi bắt tay vào làm hồ sơ, hãy đọc thật kỹ phần Mô tả công việc từ phía nhà tuyển dụng và phác thảo các kỹ năng cụ thể mà công ty đang tìm kiếm. Một số kỹ năng thường gặp mà nhà tuyển dụng nào cũng mong muốn nhìn thấy ở ứng viên có thể kể đến kỹ năng lãnh đạo, khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập hay giải quyết vấn đề. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra vừa qua, các nhà tuyển dụng cũng sẽ đặc biệt coi trọng kỹ năng về công nghệ cũng như khả năng làm việc linh hoạt, sẵn sàng thích ứng với mọi hoàn cảnh từ ứng viên. Đừng quên nhắc tới điều này trong hồ sơ xin việc của bạn nhé!

  • 𝗟𝘂𝗼̂𝗻 𝘁𝗵𝗮̀𝗻𝗵 𝘁𝗵𝗮̣̂𝘁 𝘃𝗲̂̀ 𝗸𝗶𝗻𝗵 𝗻𝗴𝗵𝗶𝗲̣̂𝗺 𝗹𝗮̀𝗺 𝘃𝗶𝗲̣̂𝗰

- Các nhà tuyển dụng luôn mong muốn sự trung thực và thành thật từ ứng viên. Thay vì lo sợ rằng nhà tuyển dụng sẽ đánh giá không tốt vì vốn kinh nghiệm làm việc ít ỏi, bạn nên chủ động chia sẻ và giải thích về điều đó. Đừng quên rằng điều mà các nhà tuyển dụng thực sự quan tâm chính là những gì mà bạn có thể đem lại cho công ty trong tương lai.

- Thay vì đổ lỗi cho sự thiếu kinh nghiệm có thể sẽ cản trở công việc của bạn, hãy đề cập đến những yếu tố như đam mê, động lực làm việc cũng như khả năng cam kết, gắn bó của bạn đối với công ty. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu kỹ càng về công ty và những người lãnh đạo sẽ giúp bạn ghi điểm rất lớn trong mắt nhà tuyển dụng, bởi điều đó cho thấy bạn thật sự yêu thích và dành thời gian nghiên cứu về vị trí ứng tuyển này.

  • 𝗞𝗵𝗼̂𝗻𝗴 𝗻𝗴𝘂̛̀𝗻𝗴 𝘁𝗶̀𝗺 𝗸𝗶𝗲̂́𝗺 𝗸𝗶𝗻𝗵 𝗻𝗴𝗵𝗶𝗲̣̂𝗺 𝗹𝗮̀𝗺 𝘃𝗶𝗲̣̂𝗰

- Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, có rất nhiều cơ hội luôn hiện hữu giúp bạn gặt hái kinh nghiệm thực tế và cải thiện những kỹ năng làm việc của bản thân. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hãy suy nghĩ về những cơ hội làm thêm bán thời gian, tham gia các câu lạc bộ sinh viên, hoạt động tình nguyện hay dành thời gian đi thực tập tại các doanh nghiệp địa phương. Tất cả những trải nghiệm này đều giúp bạn nâng cao giá trị bản thân trong mắt nhà tuyển dụng và gia tăng khả năng được tuyển dụng. Hoặc bạn hoàn toàn có thể chủ động tham gia chương trình thực tập từ xa (Virtual Internship), khoá học trực tuyến miễn phí hay những sự kiện hướng nghiệp, hội thảo chuyên môn. Chỉ cần bạn không ngừng tìm kiếm cơ hội và "lăn xả" học hỏi, bạn sẽ tìm thấy những trải nghiệm phù hợp với mình, góp phần làm đẹp cho CV của bạn.

  • 𝗖𝗵𝘂̉ đ𝗼̣̂𝗻𝗴 𝗹𝗮̀ 𝗰𝗵𝗶̀𝗮 𝗸𝗵𝗼𝗮́ 𝘁𝗵𝗮̀𝗻𝗵 𝗰𝗼̂𝗻𝗴

- Không phải tất cả các công việc đều được công bố thông tin rộng rãi. Bạn hoàn toàn có thể chủ động kết nối với những doanh nghiệp mà bạn quan tâm và hỏi họ về những vị trí mà công ty đang có nhu cầu tuyển dụng. Ngay cả khi tổ chức đó chưa có vị trí phù hợp với bạn, việc chủ động kết nối với nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn ghi điểm với họ và tạo cho bạn lợi thế lớn sau này.

- Thông thường, bạn có thể gửi email giới thiệu về bản thân và bày tỏ mong muốn làm việc tại công ty, đính kèm một bản CV và thư xin việc. Hãy luôn nhớ kết thúc email bằng lời đề nghị có một cuộc gặp mặt trực tiếp hoặc nói chuyện, tương tác trực tuyến cùng nhà tuyển dụng để thảo luận về công ty, đồng thời đây cũng là cơ hội tốt để nhà tuyển dụng hiểu thêm về bạn.